Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu đánh thuế đầu cơ bất động sản
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ bất động sản.
Nội dung trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập trong công điện gửi các bộ ngành, địa phương, yêu cầu tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản và thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản.
Theo đó, trong năm 2024, một số khu vực ghi nhận giá bất động sản tăng cao so với khả năng đáp ứng tài chính của người dân. Nguyên nhân là một số hội, nhóm đầu cơ lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý đầu tư theo đám đông của người dân để thao túng tâm lý, “đẩy giá tăng cao”, “tạo giá ảo” gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm trục lợi.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư dự án bất động sản lợi dụng tình hình nguồn cung bất động sản hạn chế để đưa ra giá chào bán cao hơn mức trung bình của các dự án để thu lợi. Kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường tại một số khu vực làm tăng mặt bằng giá đất, giá nhà ở.
Để tăng cường kiểm soát và xử lý kịp thời việc thao túng, đẩy giá và đầu cơ bất động sản, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ bất động sản, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Trong đó, nghiên cứu phương án thu thuế phần chênh lệch giá giữa giá tính tiền sử dụng đất và giá bán sản phẩm bất động sản của các dự án, báo cáo Chính phủ trước ngày 30/4.
Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng nhà nước rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo các tổ chức tín dụng định giá các tài sản đảm bảo là bất động sản khách quan, hợp lý, tuân thủ quy định quản lý rủi ro tín dụng. Đặc biệt không được tiếp tay cho hành vi thao túng giá, tạo mặt bằng giá mới “ảo”, làm mất ổn định và “méo mó” thị trường. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm công tác đấu giá đất; đưa thông tin sai lệch với mục đích tạo sốt ảo và lừa đảo người dân để trục lợi.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu Đề án thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý, báo cáo Thủ tướng trong quý II năm nay.
Kiến nghị về chính sách thuế áp dụng với người sở hữu nhiều nhà đất, bỏ hoang bất động sản cũng được đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra cuối tháng 11/2024, trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh tại nhiều địa phương. Tình trạng nóng sốt tại các phiên đấu giá đất ở huyện ven có giá trúng cao hơn nhiều lần mức khởi điểm, ảnh hưởng phát triển lành mạnh của thị trường. Nhiều địa phương hiện nay ghi nhận tình trạng lệch pha trên thị trường bất động sản trầm trọng, dư thừa các sản phẩm như shophouse, biệt thự, thiếu nhà ở bình dân, vừa túi tiền, nhất là tại Hà Nội và TP HCM.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có đề xuất về việc đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Đề xuất trên được Bộ Tài chính hoàn toàn đồng tình và Bộ này cũng đang nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định chính sách thuế với các trường hợp sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, việc cải cách các chính sách thuế này cũng được đặt trong tổng thể thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng duyệt.
Một thăm dò mới đây của VnExpress với gần 32.000 độc giả cho thấy, gần 70% phản hồi đồng tình với việc đánh thuế bất động sản thứ hai và bỏ hoang.
Thực tế, đề xuất đánh thuế nhà từng được Bộ Tài chính nêu tại dự thảo Luật Thuế nhà, đất 2009, mức 0,03% với nhà trên 500 triệu đồng. Mười năm sau, nhà chức trách lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế tài sản với 2 phương án về ngưỡng đánh thuế nhà, trên 700 triệu hoặc 1 tỷ đồng, tương ứng thuế 0,3% hoặc 0,4%. Song, các đề xuất này đều vấp phải phản ứng trái chiều từ dư luận ngay khi công bố, nên được gác lại.
Phương Uyên