Rời Hàn Thuyên, Starbucks có thể chi gần tỷ đồng thuê mặt bằng ở Bitexco
Rời căn nhà 13 Hàn Thuyên giá thuê khoảng 520 triệu đồng một tháng, Starbucks dự kiến mở cửa hàng khác tại Bitexco, nơi có giá thuê gần một tỷ đồng.
Sáng 26/12, Starbucks Việt Nam xác nhận kế hoạch “hồi sinh” thương hiệu Starbucks Reserve tại tháp Bitexco (Hải Triều, quận 1) trong nửa đầu năm sau.
Cửa hàng cao cấp duy nhất của chuỗi tại TP HCM ở 13 Hàn Thuyên dừng hoạt động từ hôm 26/8. Công ty khi đó giải thích hợp đồng thuê nhà tại đây kết thúc và không có ý định gia hạn trong bối cảnh giá mới tăng. Theo một đơn vị môi giới, giá thuê cũ là 21.000 USD (khoảng 520 triệu đồng) một tháng. Hiện mặt bằng vẫn bỏ trống sau nửa năm và được rao 30.000 USD mỗi tháng (tương đương 750 triệu đồng).
Starbucks cho biết việc tìm vị trí mới cho cửa hàng cao cấp đã được tiến hành từ trước khi hết hạn hợp đồng ở 13 Hàn Thuyên nhưng mất rất nhiều thời gian để lựa chọn.
Chuỗi cà phê Mỹ chưa xác nhận quy mô cửa hàng cao cấp mới tại Bitexco. Tuy nhiên, nguồn tin từ một đơn vị tư vấn bất động sản cho hay thương hiệu sẽ chiếm vị trí mặt tiền tầng trệt đắc địa tại chân tháp, thay thế Adidas rút lui từ ngày 23/12.
Toàn bộ cửa hàng này có diện tích 256 m2, giá thuê trung bình từ 150 USD mỗi m2 mỗi tháng. Nếu thuê trọn vị trí này, Starbucks có thể sẽ phải trả gần 980 triệu đồng mỗi tháng, tức cao gần gấp đôi giá thuê cũ và 30% giá chào mới của mặt bằng 13 Hàn Thuyên, nhưng diện tích chỉ nhỉnh hơn 40 m2.
Nói với VnExpress, một môi giới cho rằng ngôi nhà 13 Hàn Thuyên cần tốn thêm chi phí nâng cấp, cải tạo nếu gia hạn hợp đồng mới vì hiện trạng tương đối cũ. Trong khi đó, việc chuyển qua Bitexco có ưu điểm không gian thoáng hơn, có thể thu hút lượng khách đa dạng từ văn phòng, khách đi xem phim, ăn uống.
“Không dễ gì có được một vị trí trung tâm quận 1 đẹp và khả năng chủ tòa nhà cũng sẽ thương lượng giá riêng ưu đãi hơn cho thương hiệu lớn như Starbucks để hút khách lại cho phần khối đế trung tâm thương mại đang ít nhiều thưa vắng”, môi giới này nói.
Starbucks Reserve là mô hình cửa hàng cao cấp (flagship store) của Starbucks, phục vụ thức uống đặc sản, có không gian sang trọng và nhân viên trình độ cao (coffee master). Giá tại đây cao hơn các cửa hàng thông thường.
Sau 11 năm hiện diện tại Việt Nam, Starbucks có 125 cửa hàng (tính đến tháng 12/2024). Họ từng có 2 cửa hàng cao cấp và hiện còn một tại phố Nhà Thờ (Hà Nội). Theo kế hoạch, ngoài hồi sinh cửa hàng duy nhất ở TP HCM, một Starbucks Reserve khác có thể ra đời ở thủ đô năm sau.
Trên toàn chuỗi, thời gian đầu thương hiệu này ưu tiên mở cửa hàng ở các thành phố lớn, vị trí đắc địa nhưng những năm gần đây đã chuyển trọng tâm ra nhiều địa phương và đi vào cộng đồng dân cư. Ngoài TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, thương hiệu chỉ mới đến hầu hết tỉnh thành khác sau dịch, gần nhất có Đà Lạt, Huế, Sapa.
Đồng thời, thay vì dồn toàn lực cho cuộc chiến mặt bằng đẹp, họ đề ra chiến lược gắn với cộng đồng dân cư, tức tập trung mở quán ở các khu đô thị, trung tâm thương mại, sân bay và nhắm đến các ga tàu điện. “Ga các metro cũng là vị trí mà chúng tôi quan tâm nhưng tìm được mặt bằng hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác”, đại diện công ty nói.
Trong một khảo sát nhanh trực tuyến năm nay của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, Highlands Coffee là thương hiệu chuỗi cà phê được yêu thích nhất với 31,8% đồng tình, tiếp theo là Trung Nguyên Legend (21,4%). Phúc Long Coffee & Tea (20%) và Starbucks (11%).
Cùng với bài toán mặt bằng, để tồn tại ở thị trường chuỗi cà phê ngày càng khốc liệt, Starbucks cũng ngày càng chấp nhận địa phương hóa. Năm ngoái đến nay, menu của họ bổ sung thêm các món nước lấy cảm hứng từ cách uống cà phê của người Việt hay đang được giới trẻ ưu chuộng như: cà phê sữa đá, cà phê muối hay cà phê dừa.
Trên toàn cầu, báo cáo tài chính quý IV năm tài chính 2024, kết thúc vào ngày 30/9 của Starbucks ghi nhận doanh thu thuần giảm 3% xuống còn 9,1 tỷ USD, do doanh số giảm 7%, lượng khách hàng giảm 8%. CEO mới Brian Niccol đã đề ra kế hoạch tái cấu trúc và thu hút khách hàng để đưa chuỗi trở lại đà tăng trưởng.
Viễn Thông