Nhiều khách thuê trả mặt bằng nhà phố
Hà NộiKhách thuê liên tiếp trả mặt bằng khiến nhiều căn nhà phố quận trung tâm bị bỏ trống thời gian dài, dù trước đây buôn bán sầm uất.
Chị Thu Phương, 35 tuổi, vừa trả mặt bằng shop kinh doanh thời trang nữ rộng 70 m2 trên đường Cầu Giấy. Ba tháng trước, chị cũng đóng một cửa hàng 60 m2 trên phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa sau khi hết hạn hợp đồng thuê. Từng sở hữu ba chi nhánh tại các tuyến phố đắc địa, hiện shop thời trang của chị Phương còn duy trì một cơ sở chính kết hợp kho hàng.
Chị cho biết trước đây doanh thu ba cửa hàng có thể bù đắp chi phí thuê mặt bằng nhà phố vốn đắt đỏ. Hơn một năm qua, tình hình kinh doanh ảm đạm, nhiều tháng chị phải gồng lỗ nên việc “trả mặt bằng là bắt buộc”. Chị Phương tính tìm mặt bằng mới trong ngõ để làm kho hàng và chuyển hẳn sang kinh doanh online để tối ưu chi phí.
Tình trạng khách thuê trả mặt bằng nhà phố tại một số quận trung tâm Hà Nội có xu hướng tăng. Theo ghi nhận của VnExpress, nhiều mặt bằng ở tuyến phố sầm uất như Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phố Huế, Bà Triệu, Thái Hà… rơi cảnh bỏ trống nhiều tháng chưa tìm được khách thuê.
Trên đường Kim Mã có hơn 40 cửa hàng đóng cửa, treo biển cho thuê hoặc sang nhượng mặt bằng. Gần đó, tuyến phố Nguyễn Thái Học cũng chung cảnh bỏ trống nhiều mặt bằng do không tìm được khách thuê.
Anh Đức Huy có 5 năm làm nghề môi giới nhà phố, cho biết từ đầu năm nay anh liên tục được chủ nhà gửi tài sản cho thuê. Riêng khu vực quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, số mặt bằng có nhu cầu cho thuê tăng 15-20% so với cuối năm ngoái.
Anh ví dụ một căn nhà rộng 70 m2, cao 5 tầng, mặt tiền 4 m trên phố Kim Mã được rao cho thuê từ tháng 8 đến nay vẫn chưa tìm được khách. Giá thuê căn này khoảng 50 triệu đồng một tháng, giảm 10% so với hai năm trước. Gần đó, 3-4 mặt bằng cũng trong cảnh “cửa đóng then cài” hơn nửa năm, sau khi khách thuê cũ rời đi.
“Tình trạng này trái ngược với cảnh chủ nhà hét giá cao vẫn có khách xếp hàng tranh thuê cách đây vài năm”, anh Huy cho hay.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết phân khúc nhà phố cho thuê chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với các trung tâm thương mại và sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, một số ngành hàng phổ biến như thời trang, phụ kiện chứng kiến cuộc “tháo chạy” khỏi các mặt bằng nhà phố. Bởi thay vì bỏ chi phí lớn vào mặt bằng ở vị trí đẹp, họ chuyển sang thuê nhà trong ngõ để mở rộng kho hàng và tập trung làm marketing trên các kênh online.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng nhiều mặt bằng nhà phố có nhược điểm mặt tiền, diện tích hẹp, không có chỗ đỗ xe… nên kém thu hút khách thuê. Kể cả nằm ở vị trí trung tâm, nếu mặt bằng không đem đến trải nghiệm mua sắm thuận tiện cho khách hàng cũng khó được chủ kinh doanh lựa chọn.
Xét về hiệu quả đầu tư, tỷ suất lợi nhuận cho thuê nhà mặt phố ngày càng sụt giảm, theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh kênh Batdongsan. Lý do là giá bán bất động sản trung tâm Hà Nội tăng mạnh nhiều tháng qua, trong khi dòng tiền cho thuê vẫn giữ nguyên, thậm chí giảm nhẹ. Đây là lý do khiến nhiều chủ nhà phố hạn chế giảm mạnh giá cho thuê, nhằm giữ giá trị tài sản. Thay vào đó, họ thường áp dụng chính sách hỗ trợ như thanh toán theo quý thay vì 6-12 tháng một lần, giảm tiền cọc…
Hiện lợi suất cho thuê loại hình này đã trở về mức đầu năm 2021, khoảng 3% một năm. “Đây là một con số thấp với thị trường cho thuê”, ông Tuấn nói.
Theo kết quả thăm dò mới đây của VnExpress với hơn 5.600 độc giả, mặt bằng bán lẻ gồm nhà phố cho thuê xếp cuối cùng về mức độ hấp dẫn để đầu tư năm nay.
Giám đốc kinh doanh kênh Batdongsan cho rằng dù kinh tế chuyển biến tích cực trở lại, thói quen mua sắm của khách hàng thay đổi sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh nhà phố. Theo báo cáo mới đây của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric, người Việt chi cho mua hàng online trung bình 1 tỷ USD mỗi tháng. Trong đó, 32% người tiêu dùng mua sắm online vài lần một tuần. Do đó, những nhóm hàng như thời trang, phụ kiện… vốn chuộng mặt bằng đẹp trước đây có xu hướng giảm mạnh nhu cầu thuê nhà phố.
Cùng với đó, sau liên tiếp các vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ quan quản lý siết chặt việc chuyển đổi công năng sử dụng công trình, tăng kiểm tra việc phòng cháy, chữa cháy. Điều này thúc đẩy chủ mặt bằng và khách thuê đầu tư, trang bị an toàn cháy kỹ lưỡng hơn để đạt quy chuẩn, theo chuyên gia.
Ngọc Diễm