Giá thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm TP HCM tăng 10% mỗi năm

Chia sẻ tin này:

Mặt bằng bán lẻ trống tại khu vực trung tâm TP HCM rất hạn chế, góp phần đẩy giá thuê tại đây tăng 10% mỗi năm, theo CBRE.

Báo cáo thị trường bán lẻ từ Công ty tư vấn bất động sản CBRE cho biết các trung tâm thương mại ở khu vực nội thành (khu trung tâm quận 1) chỉ chiếm 12% tổng nguồn cung của TP HCM, tỷ lệ lấp đầy khoảng 93-99% và rất ít mặt bằng trống. Điều này đẩy giá thuê khu vực trung tâm tăng 10-11% mỗi năm. Riêng năm 2024, CBRE ghi nhận giá thuê khu trung tâm là 280 USD mỗi m2 một tháng (tương đương 7 triệu đồng), tăng 15,4% so với cùng kỳ 2023.

Các mặt bằng bán lẻ thuộc dự án nằm ngoài trung tâm cũng có mức tăng hàng năm là 4-5%, với giá thuê trung bình 53 USD mỗi m2 một tháng (tương đương 1,3 triệu đồng). Bốn dự án trung tâm thương mại mới khai trương tại khu ngoại thành TP HCM năm nay là Central Premium, Parc Mall (quận 8), Vincom Megamall Grandpark (TP Thủ Đức) và Vincom 3/2 (quận 10) đều được lấp đầy gần 100% ngay khi ra mắt.

Nghiên cứu của Dat Xanh Services cũng cho thấy tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại ở thành phố luôn đạt trên 93%. Giá thuê có sự tăng trưởng từ 4-8% mỗi năm, đặc biệt ở khu vực trung tâm do sự khan hiếm nguồn cung trong khi nhu cầu thuê tương đối cao. Còn theo hãng tư vấn JLL Việt Nam, năm 2024, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại TP HCM ghi nhận mức tăng trưởng trung bình mỗi quý từ 2,5-2,7% so với cùng kỳ.





Người dân TP HCM mua sắm tại trung tâm thương mại quận 1 trong ngày Black Friday, ngày 26/11/2024. Ảnh: Nhật Thực

Người dân TP HCM mua sắm tại trung tâm thương mại quận 1 trong ngày Black Friday, ngày 26/11/2024. Ảnh: Nhật Thực

Bà Mai Võ, Trưởng bộ phận dịch vụ bán lẻ CBRE Việt Nam, cho biết năm 2024, TP HCM ghi nhận mức hấp thụ ròng mặt bằng bán lẻ cao nhất trong 7 năm qua, với 132.000 m2 sàn được thuê, tỷ lệ mặt bằng trống trên toàn thị trường chỉ còn 7%. Các thương hiệu F&B và ngành thời trang, phụ kiện đều đang dịch chuyển nhu cầu thuê vào các trung tâm bán lẻ, với 45% tổng số giao dịch trong năm vừa qua thuộc về nhóm này. Nhu cầu tìm thuê mặt bằng trung tâm từ các thương hiệu Trung Quốc vào thị trường Việt Nam cũng giúp lấp đầy nhanh chóng các diện tích thuê còn trống và kéo giá thuê tăng ở cả khu trung tâm và ngoài trung tâm.

Đồng quan điểm, bà Trang Lê, Giám đốc thị trường JLL Việt Nam, nói TP HCM năm ngoái ghi nhận mức hấp thụ thuần tích cực với 72.400 m2, tỷ lệ lấp đầy luôn duy trì trên 90%. Khu trung tâm giữ vị thế là nơi các thương hiệu quốc tế chọn mặt gửi vàng trong chiến lược thâm nhập thị trường, dẫn chứng là việc Vincom Đồng Khởi vừa chào đón nhãn hàng thời trang Trung Quốc Urban Revivo lần đầu có mặt tại Việt Nam, trong khi Saigon Centre cũng nhộn nhịp hơn với sự hiện diện của thương hiệu đồ chơi Popmart kể từ tháng 10.

Ngoài sự gia tăng của các chuỗi F&B mới, các nhà bán lẻ phong cách sống tiếp tục bành trướng mạnh mẽ ở khu ngoài trung tâm, nổi bật là hoạt động khai trương cửa hàng Uniqlo, H&M tại Parc Mall và Muji tại Thiso Mall Sala vào quý cuối năm 2024. Ngành nội thất và gia dụng cũng xuất hiện các tên tuổi mới với diện tích thuê lớn từ 600-2.000 m2, như Nitori từ Nhật Bản ra mắt cửa hàng thứ hai tại Vincom Mega Mall Grand Park, Mr.DIY từ Malaysia mở cửa hàng mới tại Giga Mall và Vincom Mega Mall Thảo Điền.

Diện tích bán lẻ tại TP HCM tăng trưởng chậm, khu trung tâm gần như không còn nhiều quỹ đất để triển khai dự án mới trong khi nhu cầu mở rộng kinh doanh, sự tham gia ngày càng đông đảo của các thương hiệu quốc tế là tiền đề để mặt bằng bán lẻ tiếp tục cải thiện về mức hấp thụ ròng cũng như giá thuê, bà Trang cho hay.

Theo dự báo từ Công ty phân tích dữ liệu thị trường Euromonitor (London), doanh thu bán lẻ hàng hóa không phải thực phẩm tại Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 12,6% từ năm 2024 đến 2027. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng của mỗi hộ gia đình ở Việt Nam cũng sẽ tăng 38% trong giai đoạn 2024-2028, xếp hạng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nhiều cơ hội hứa hẹn cho thị trường bán lẻ Việt Nam những năm tới đây khi nhiều thương hiệu ngách đang nhắm đến việc mở cửa hàng vào năm 2025-2026. Một số lượng lớn các thương hiệu Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội mở rộng ra nước ngoài, với Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng để phát triển mạng lưới cửa hàng của họ.

Tuy nhiên theo chuyên gia, điều quan trọng là cần xác định cách tiếp cận chính xác để thu hút người tiêu dùng. Bà Mai Võ cho rằng trong bối cảnh hạ tầng giao thông ngày càng mở rộng ra khu vực vùng ven, sẽ có nhiều trung tâm thương mại mới được mọc lên. Các thương hiệu trong nước và quốc tế đang đều đặn mở rộng tại các quận trọng điểm, dẫn đến tính cạnh tranh của ngành bán lẻ sẽ gắt gao và khốc liệt hơn trong những năm tới.

Do đó, theo bà Mai, các trung tâm thương mại cần liên tục làm mới trải nghiệm khách hàng, tránh đi vào khuôn mẫu nếu không muốn mất dần ưu thế cạnh tranh. Các chủ đầu tư cần đảm bảo rằng các dự án bán lẻ được nâng cấp và cải tạo để phản ánh vị trí và sản phẩm độc đáo.

Phương Uyên



Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm