CBRE: Giá nhà sẽ tăng 8-10% năm nay
Giá bất động sản TP HCM dự kiến tiếp tục tăng năm nay, biên độ khoảng 8-10% ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, theo CBRE.
Tại sự kiện báo cáo thị trường bất động sản 2024, triển vọng năm 2025 sáng 7/1, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Trưởng bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, cho rằng giá bất động sản TP HCM sẽ tiếp diễn xu hướng tăng của năm 2024 trong bối cảnh nguồn cung nhà ở này cải thiện không đáng kể, chênh lệch tỷ lệ rổ hàng giữa các phân khúc vẫn đang rất lớn.
Theo ông, năm nay thành phố dự kiến chỉ có thêm 9.000 căn hộ và 2.000 căn nhà liền thổ, 83% trong đó là phân khúc cao cấp, hạng sang giá trên 60 triệu đồng mỗi m2. “Sự áp đảo của phân khúc cao cấp, thiếu nhà bình dân để điều tiết thị trường cùng bài toán khan hiếm nguồn cung chưa được giải quyết dứt điểm khiến giá bất động sản TP HCM dự kiến tăng 8-10% năm nay”, chuyên gia CBRE nhìn nhận.
Trước đó, dự báo về xu hướng thị trường năm 2025, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) cũng cho biết sự chênh lệch lớn giữa cung và cầu, đặc biệt ở phân khúc trung cấp và bình dân sẽ tiếp tục kéo giá bất động sản tại các khu vực trung tâm Hà Nội, TP HCM tăng. Mức tăng được Vars đưa ra vào khoảng 7-10% trong năm nay.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, nguồn cung ít ỏi, không có nhiều sự lựa chọn trong khi nhu cầu nhà ở tại TP HCM luôn rất cao khiến những dự án triển khai năm nay sẽ ít chịu sự cạnh tranh và giữ được thế “độc quyền”. Điển hình như năm vừa qua, giá nhà vượt trên trăm triệu đồng mỗi m2 nhưng các dự án vẫn có tỷ lệ hấp thụ trung bình trên 70%. Điều này thúc đẩy thị trường sơ cấp bước vào cuộc đua về giá, dự án sau cao hơn dự án trước.
“Một khi giá sơ cấp đã tăng, thị trường thứ cấp cũng sẽ ăn theo xu hướng này và thiết lập mặt bằng giá mới”, ông Kiệt đánh giá.
Thảo luận xoay quanh câu chuyện tác động từ việc giá bất động sản tăng nóng, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc đầu tư Nam Long Group, cho rằng trong bối cảnh mọi yếu tố cấu thành lên dự án đều tăng cao như hiện nay, rất khó để cản bước tăng của giá nhà. Vì vậy, khả năng cao là giá bất động sản năm nay vẫn đi lên, mức tăng ra sao phụ thuộc vào nguồn cung, tỷ lệ phân bổ giữa các phân khúc và việc cân đối của chủ đầu tư giữa câu chuyện làm sao tiếp cận được khách hàng tiềm năng nhưng vẫn cân bằng lợi nhuận.
Bà Hương cho rằng việc giá nhà tăng nhanh sẽ khiến mọi bên tham gia thị trường cùng chịu thiệt, không ai hưởng lợi. Chủ đầu tư cũng khó khăn khi phải bỏ ra chi phí cao hơn để tạo lập quỹ đất làm dự án mới, trong khi người mua khó tiếp cận cơ hội sở hữu nhà.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Trưởng bộ phận đầu tư VinaLiving – VinaCapital, nói không chỉ năm nay, một đến hai năm tới, giá nhà dự kiến vẫn tăng khi bảng giá đất mới được áp dụng. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực không hề nhỏ khi giá đất tăng mạnh, cùng với chi phí sử dụng đất mà chủ đầu tư phải chi trả. Những yếu tố này sẽ đẩy giá bán cuối cùng lên mức khó tiếp cận.
Ông cũng cảnh báo việc phát triển quá nóng có thể dẫn đến tình trạng tương tự như đã diễn ra với thị trường Trung Quốc. Vì vậy, cân đối giá nhà sẽ là bài toán cần được các bên nghiêm túc triển khai trong những năm tới đây.
Để giảm áp lực giá nhà tăng và đáp ứng nhu cầu ở thực, các chuyên gia khuyến nghị cần mở rộng phát triển đô thị ra các khu vực ngoại thành, những vùng giáp TP HCM. Theo đó, chính quyền nên sớm ưu tiên đầu tư vào các tuyến đường vành đai và cao tốc, từ đó tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng phát triển quỹ đất với giá hợp lý ra vùng ven, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng tiện ích xã hội như trường học, bệnh viện, khu vui chơi mới thu hút người dân đến khu vực ngoại vi định cư, giảm áp lực lên khu vực trung tâm và gián tiếp kéo giảm giá nhà.
Phương Uyên