Các huyện nào của TP Hà Nội sẽ lên quận vào năm 2025?
Huyện Hoài Đức: Phía Bắc giáp huyện Đan Phượng, phía Tây giáp huyện Quốc Oai, phía Nam giáp quận Hà Đông, phía Đông giáp 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm. Hoài Đức trở thành một cửa ngõ quan trọng của thủ đô Hà Nội với nhiều tuyến giao thông quan trọng như Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, các trục tỉnh lộ 442 và nhiều dự án như đường vành đai 4 và các khu đô thị.
Huyện Hoài Đức có địa hình tương đối bằng phẳng. Sông Đáy chảy qua phía tây huyện, tạo thành ranh giới với các huyện Phúc Thọ và Quốc Oai. Dân số huyện năm 2019 là 262.943 người, trong đó 9% dân số theo đạo Thiên Chúa.
Trong những năm vừa qua, với những thuận lợi khó khăn đan xen tốc độ thay đổi nhanh theo quy hoạch kinh tế – xã hội của thủ đô Hà Nội, huyện Hoài Đức trở thành đô thị, đất canh tác bị thu hồi, các khu đô thị mới được hình thành.
Huyện Đông Anh: Nằm ở phía bắc TP. Hà Nội, cách trung tâm thành phố 15 km. Phía Đông giáp huyện Gia Lâm và thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), phía Nam giáp quận Long Biên, quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm, phía tây giáp huyện Mê Linh và huyện Đan Phượng, phía bắc giáp huyện Sóc Sơn với ranh giới là sông Cà Lồ.
Huyện Đông Anh có diện tích 185,62 km², dân số năm 2019 là 405.749 người, mật độ dân số đạt 2.186 người/km².
Huyện Đông Anh đặc biệt chú trọng tới công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng đô thị nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình quy hoạch Đông Anh.
Huyện Thanh Trì: Nằm ở phía Nam thành phố với diện tích tự nhiên 6.292,7ha, dân số trên 200.000 người gồm 15 xã và 01 thị trấn. Phía bắc giáp quận Hoàng Mai, phía Nam giáp huyện Thường Tín, phía Tây và Tây bắc giáp quận Thanh Xuân, phía Đông là sông Hồng, giáp với huyện Gia Lâm và tỉnh Hưng Yên.
Là đầu mối giao thông quan trọng của Thủ đô, thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế – xã hội với các tỉnh phía Nam, huyện Thanh Trì có nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, khu công nghiệp, nhiều trường học, cơ sở y tế của Trung ương và Thành phố, có nhiều ngành nghề truyền thống như mây tre đan Vạn Phúc, bánh Chưng, bánh dày Chanh Khúc,… đây là thế mạnh, tiềm năng đáng quý, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đi lên của huyện.
Huyện Gia Lâm: Nằm ở phía Đông của Thủ đô Hà Nội. Phía Bắc giáp quận Long Biên; phía Tây Nam có địa giới là dòng sông Hồng, bên kia bờ là huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai; phía Đông Bắc và Đông giáp với các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành của tỉnh Bắc Ninh; phía Nam giáp với huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Năm 2020, huyện Gia Lâm đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 4.500 tỷ đồng, bằng 152% dự toán, vượt kế hoạch thành phố giao. Hai tháng đầu năm 2021 thu ngân sách đạt 375 tỷ đồng, tương đương hơn 15% dự toán cả năm.
Huyện Đan Phượng: Là một huyện nhỏ của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Tây Bắc trung tâm thành phố, tại khoảng giữa của trục đường Quốc lộ 32 từ trung tâm Hà Nội đi Sơn Tây. Phía Đông giáp quận Bắc Từ Liêm, phía Bắc giáp huyện Mê Linh có dòng sông Hồng cắt ngang làm ranh giới, phía Tây giáp huyện Phúc Thọ, phía Nam giáp huyện Hoài Đức.
Huyện Đan Phượng là huyện có hệ thống sông Hồng, sông Đáy chảy qua. Xưa kia là ngã ba sông (sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy) nên địa hình của huyện tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đất phù sa. Chiều cao trung bình từ 6-8m. Dân số năm 2019 là 174.501 người.
Theo lộ trình phát triển do TP. Hà Nội đề ra, đến năm 2025, huyện Đan Phượng sẽ trở thành một quận.
Mời quý độc giả xem video: Ông Chu Ngọc Anh tái đắc cử Chủ tịch UBND TP Hà Nội. (Nguồn: Nhân Dân TV)
Hiểu Lam – Nguyễn Đạt