Ba điểm sáng của thị trường địa ốc 2025
Nguồn cung nhà ở được dự báo tăng mạnh, trong khi bất động sản công nghiệp và thương mại tiếp tục sôi động trong năm nay.
Năm 2024 đánh dấu đà phục hồi mạnh mẽ của nhiều phân khúc nhà ở, dẫn đầu là chung cư tại Hà Nội. Với tổng nguồn cung sơ cấp gần 30.000 căn, năm qua đã chấm dứt chu kỳ khan hiếm nhà ở tại Thủ đô trong thời gian dài, theo đơn vị nghiên cứu CBRE.
Sang 2025, nguồn cung căn hộ được dự báo tăng mạnh. Trong kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 (đợt 3), UBND TP Hà Nội cho biết có 85 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư với gần 50.000 sản phẩm. Cùng với đó, khoảng 26 dự án dự kiến hoàn thành sau 2025, cung ứng cho thị trường gần 10.000 căn.
One Housing – đơn vị dịch vụ bất động sản do Masterise Homes và Techcombank hậu thuẫn – cũng cho biết lượng chung cư mở bán mới tại Hà Nội ước đạt khoảng 30.000 căn trong năm nay. Con số này tương đương giai đoạn cao điểm 2016 – 2019, trong đó gần một nửa căn hộ mới đến từ khu vực phía Đông và 19% đến từ phía Bắc thành phố. Còn thị trường TP HCM dự kiến có khoảng 12.000 căn ra mắt năm nay.
Tuy nhiên, phân khúc cao cấp vẫn áp đảo thị trường. OneHousing dự báo gần 70% nguồn cung mới tại Hà Nội thuộc nhóm 50-80 triệu đồng một m2. Tại TP HCM, phân khúc cao cấp và hạng sang có thể chiếm tới 88% nguồn cung sơ cấp.
Nguồn cung nhà thấp tầng cũng có nhiều triển vọng tăng trưởng, tập trung ở các khu đô thị vùng ven. Đà tăng này nối tiếp từ 2024 với khoảng 5.000 căn đã được mở bán, mức cao nhất nhiều năm qua, theo hãng dịch vụ tư vấn bất động sản CBRE.
Điểm sáng nữa của thị trường nhà ở là nguồn cung nhà ở xã hội có xu hướng khởi sắc. Riêng tại Hà Nội, từ cuối năm ngoái, nhiều dự án dành cho người thu nhập thấp được khởi công hoặc cấp phép xây dựng, dự kiến hoàn thành trong 2025. Đơn cử, dự án NO1 Hạ Đình với 440 căn hộ hay chung cư CT1 gần 600 căn thuộc khu nhà xã hội Thượng Thanh, quận Long Biên vừa được khởi công, cấp giấy phép xây dựng.
Liên danh chủ đầu tư Handico và Viglacera cho biết sẽ khởi công một phần dự án xây khu nhà xã hội tại ô đất CT3, CT4 – Khu đô thị mới Kim Chung, huyện Đông Anh vào đầu năm nay. Với ba tòa chung cư cao 12 tầng, dự án sẽ bổ sung hơn 1.100 căn cho thị trường.
Ngoài nhà ở, bất động sản công nghiệp có thể tiếp tục là “ngôi sao” trên thị trường địa ốc. 2024 ghi dấu ấn lớn của Việt Nam trong thu hút đầu tư công nghệ cao, chuyển mình từ một quốc gia gia công sang trung tâm thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tập đoàn lớn như Apple, Nvidia và Samsung. Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.
Các nhà sản xuất lớn toàn cầu đang mở rộng cơ sở sản xuất trong chiến lược “Trung Quốc +1” và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Xu hướng này thúc đẩy các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) bất động sản công nghiệp Việt Nam diễn ra mạnh mẽ.
Nhóm nghiên cứu từ công ty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay bốn năm qua, giá trị giao dịch M&A bất động sản đạt 2,94 tỷ USD, trong đó 40% thuộc về bất động sản công nghiệp.
Phân khúc này cũng dẫn đầu về lượng giao dịch địa ốc trong năm ngoái, theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam. Riêng khu vực phía Nam có 10 dự án khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ yếu ở Long An và Đồng Nai, tổng diện tích gần 4.600 ha.
“Bất động sản công nghiệp và hậu cần vẫn là phân khúc được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hàng đầu”, ông David nhận xét.
Nguồn cung phân khúc này hứa hẹn dồi dào hơn khi nhiều khu công nghiệp được cấp phép và khởi công trên cả nước. Riêng những ngày đầu năm 2025, 5 khu công nghiệp lớn được nhà chức trách duyệt đầu tư tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đăk Lăk và Nghệ An với quy mô hơn 1.600 ha.
Với triển vọng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, hãng dịch vụ địa ốc Avison Young dự báo giá thuê đất công nghiệp tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và Nam tăng 2-5% mỗi quý.
Văn phòng cho thuê, bán lẻ cũng được dự báo sôi động năm nay. Với văn phòng, nhu cầu phục hồi khiến giá thuê tại Hà Nội và TP HCM có xu hướng đắt hơn.
Theo Cushman & Wakefield, Hà Nội dự kiến đón 24.500 m2 nguồn cung mới với giá thuê kỳ vọng tăng 1,7-2,2% từ nay đến 2026. Từ 2027, mặt bằng giá có thể “nhích” thêm 1% mỗi năm.
Tương tự, mức thuê tại TP HCM có thể tăng 5% năm nay, nhờ hoạt động mở rộng và dịch chuyển văn phòng sôi động tại các tòa nhà hạng A. Trong đó, hai khu đô thị mới Thủ Thiêm và Phú Mỹ Hưng sẽ trở thành những trung tâm văn phòng mới.
Ngoài ra, tiêu dùng cá nhân trong nước tăng mạnh cũng thúc đẩy các ông lớn bán lẻ trở lại cuộc đua mở rộng, tạo cơ hội cho bất động sản bán lẻ. Đơn cử, thời gian qua Aeon – tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản – liên tục mở thêm nhiều siêu thị mới tại TP HCM, Bình Dương, Huế, Đà Nẵng… Sau hơn 10 năm, Aeon đã rót khoảng 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.
Hãng tư vấn bất động sản Savills cho biết tầng lớp trung lưu và nhóm khách hàng trẻ cận giàu trong nước cũng thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giúp Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng cho các thương hiệu xa xỉ. Theo số liệu của nền tảng dữ liệu Statista, đến năm 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ vượt 50 triệu người.
“Xu hướng này tạo cơ hội hấp dẫn cho các nhà bán lẻ muốn khai thác tiềm năng của thị trường trung tâm thương mại”, bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó giám đốc bộ phận Cho thuê thương mại (Savills Hà Nội) cho hay.
Ngọc Diễm