Chi phí tái thiết nhà đắt đỏ sau cháy rừng ở Los Angeles

Chia sẻ tin này:

Chuyên gia dự báo hàng chục nghìn cư dân California sẽ đối diện với chi phí đắt đỏ dù quyết định xây lại nhà hoặc di đời sau cháy rừng.

Từ ngày 7/1 đến 12/1, bốn đám cháy rừng Pacific Palisades, Eaton, Kenneth và Hurst tại Los Angeles đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng và môi trường trên tổng diện tích hơn 16.000 ha.

Tính đến cuối tuần qua, thảm họa đã gây thiệt hại cho hơn 12.000 công trình. Hãng dự báo thời tiết tư nhân AccuWeather thậm chí ước tính tổn thất kinh tế 135-150 tỷ USD. Jonathan Porter, nhà khí tượng học tại AccuWeather, cho biết quy mô có thể lên đến gần 4% GDP hàng năm của California.

Thiệt hại khổng lồ này phần lớn do nhiều bất động sản giá trị bị phá hủy, theo chuyên gia. Ông Jonathan Porter dự đoán đây sẽ là vụ cháy rừng tốn kém nhất trong lịch sử hiện đại California và cả Mỹ.

“Các đám cháy xảy ra ở những khu vực đông dân cư xung quanh Los Angeles với một số bất động sản có giá trị cao nhất cả nước”, ông chỉ ra nguyên nhân. Công ty môi giới bảo hiểm Aon PLC và công ty dịch vụ tài chính Moody’s cùng quan điểm.





Các căn nhà bị cháy tại khu vực Pacific Palisades (Los Angeles). Ảnh: Reuters

Các căn nhà bị cháy tại khu vực Pacific Palisades (Los Angeles). Ảnh: Reuters

Theo Moody’s, California không xa lạ với các vụ cháy rừng lớn, nhưng chúng thường tập trung ở các khu vực sâu trong đất liền, thưa thớt dân cư nên ít gây thiệt hại tài sản. Nhưng các đám cháy tuần qua đã phá hủy hàng nghìn bất động sản triệu USD trên khắp Pacific Palisades và Malibu, nơi sinh sống của nhiều ngôi sao Hollywood và CEO.

Đến nay, ước tính hàng chục nghìn cư dân California sẽ phải quyết định liệu họ có nên di dời vĩnh viễn hay xây dựng lại nhà của mình, theo CNN. Trước mắt, các công ty bảo hiểm có thể chi trả hàng nghìn USD chi phí nhà ở và sinh hoạt tạm thời cho mỗi chủ nhà có đủ bảo hiểm. JP Morgan hôm 10/1 dự báo về mức tổn thất được bảo hiểm là 20 tỷ USD.

Karen Collins, Phó chủ tịch bộ phận tài sản và môi trường của Hiệp hội Bảo hiểm Tài sản và Tai nạn Mỹ ví dụ nếu ngôi nhà được bảo hiểm 100.000 USD thì công ty bảo hiểm có thể chi trả thêm 20.000 USD – tức 20% – chi phí sinh hoạt bổ sung. “Chính sách bảo hiểm thường sẽ chi trả chi phí sinh hoạt bổ sung trong thời gian bạn không có nhà, nhằm duy trì mức sống thông thường của bạn”, bà nói.

Bảo hiểm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đi hay xây dựng lại. Đối với một số người, quyết định này có thể phụ thuộc vào việc họ có ảnh chụp ngôi nhà trước khi bị hư hại và cập nhật thông tin nhà với công ty bảo hiểm.

Peter Vanek, Chủ tịch công ty tư vấn bất động sản PVRK tại Nam California, cho biết có trường hợp chủ nhà sẽ không đủ tiền để bù chênh lệch để xây lại nhà sau khi nhận bồi thường bảo hiểm.

Nhưng dù sao, việc chọn di cư hay tái thiết hiện đều là phương án đắt đỏ, theo các chuyên gia. Theo nền tảng HomeAdvisor, chi phí di dời trong địa phương thường dao động 884 USD đến 2.569 USD. Tuy nhiên, xu hướng sẽ ít người chọn phương án chuyển chỗ ở mới hoàn toàn.

Mike Madowitz, nhà kinh tế chính tại Viện Roosevelt, cho biết nhiều người bị ảnh hưởng bởi bão Katrina (năm 2005) đã chọn ở lại nơi cũ sau khi bị mất nhà vì chi phí và sự phiền hà của việc di chuyển lần nữa. Aaron Terrazas, nhà kinh tế cấp cao tại nền tảng bất động sản trực tuyến Zillow cho biết hầu hết cư dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai không chuyển chỗ ở mới mà chọn tái thiết.

Khảo sát của Hiệp hội các nhà xây dựng nhà ở quốc gia Mỹ (NAHB) cho biết tổng chi phí xây dựng trung bình cho ngôi nhà đơn lập tại nước này là 392.241 USD. Một tính toán khác của hãng phần mềm chuyên cho thiết kế, kỹ thuật và xây dựng Autodesk nói chi phí trung bình để xây dựng một ngôi nhà 185 m2 tại California là 346.000 USD vào 2024, cao thứ 7 trong các bang tại Mỹ.

Andy Howard, một tổng thầu có ba thập kỷ hoạt động ở Los Angeles cho rằng vụ hỏa hoạn “sẽ khiến mọi thứ trở nên tệ hơn”, đáng chú ý là tình trạng thiếu hụt lao động xây dựng. Theo ông, nhiều thầu phụ từng cộng tác đã rời khỏi California kể từ đại dịch. Và ngành này không có đủ người trẻ tham gia. “Chắc chắn là nó sẽ đẩy chi phí lên cao”, ông nói.

Giới chuyên gia còn lo ngại chi phí xây nhà càng leo thang khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Khoảng 18% lực lượng lao động Mỹ năm 2023 là người nước ngoài, theo Cục Thống kê Lao động. Và khoảng một phần tư lao động ngành xây dựng là nhập cư, đặc biệt tại các khu vực như Los Angeles, theo Terrazas của Zillow.

Lao động nhập cư đã đổ về các khu vực bị thiên tai như New Orleans sau bão Katrina và một số nơi ở Florida gần đây. Trong các giai đoạn phục hồi sau thảm họa, họ làm việc trong ngành xây dựng hoặc mở các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, ông Aaron Terrazas lo ngại ý định trục xuất người nhập cư không có giấy tờ của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ khiến ngành xây dựng đình trệ.

“Một số chính sách giống như cú đấm kép đối với ngành xây dựng, không chỉ là lao động mà còn vật liệu”, ông nói. Nguyên liệu nhập khẩu và đồ nội thất, gia dụng sẽ trở nên đắt đỏ hơn nếu ông Trump áp đặt thêm thuế quan. Madowitz từ Viện Roosevelt chỉ ra gỗ vốn có giá cao do các loại thuế từ chính quyền Trump trước đó, có thể càng đắt hơn.

Chủ tịch PVRK Peter Vanek cho rằng việc tái thiết cộng đồng dân cư cho một khu vực sau cháy rừng không phải là quá trình đơn giản và nhanh chóng. Nó đụng phải nhiều thách thức bao gồm vấn đề tài chính và các yếu tố khác.

Anh Kỳ (theo CNN, AP, NYT, Los Angeles Times)



Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm