Vốn ngoại vào bất động sản tăng mạnh

Chia sẻ tin này:

Năm ngoái, vốn FDI đăng ký vào kinh doanh bất động sản đạt khoảng 6,3 tỷ USD, tăng hơn 35% so với 2023.

Thông tin này được Tổng cục Thống kê cho biết trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2024. Theo đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần) đạt 38,2 tỷ USD, giảm 3% so với 2023.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến dẫn đầu về số vốn đăng ký với gần 25,6 tỷ USD, chiếm gần 67%. Kế tiếp là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 6,3 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng hơn 35% so với năm 2023.

Tính riêng vốn đăng ký cấp mới, gần 3.400 dự án được cấp phép với số vốn 19,7 tỷ USD. Trong đó, kinh doanh bất động sản đạt hơn 3,7 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 19%.

Xét về đối tác, Singapore dẫn đầu với gần 6,3 tỷ USD, chiếm gần 32% tổng vốn đăng ký cấp mới. Theo sau là Hàn Quốc và Trung Quốc lần lượt gần 2,9 tỷ và 2,8 tỷ USD.

Theo hãng dịch vụ tư vấn bất động sản Savills, thị trường Việt Nam chủ yếu thu hút các nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu. Trong đó khẩu vị khối ngoại tập trung ở bất động sản công nghiệp nhờ đà phát triển mạnh mẽ của các ngành sản xuất. Savills ghi nhận ngày càng nhiều quỹ đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài hiện diện tại các dự án nhà kho và xưởng hạng A.





Bất động sản phía Đông TP HCM, khu vực ven sông Sài Gòn. Ảnh: Quỳnh Trần

Bất động sản phía Đông TP HCM, khu vực ven sông Sài Gòn. Ảnh: Quỳnh Trần

Cùng quan điểm, đơn vị nghiên cứu Avison Young Việt Nam cho biết nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tham gia vào giai đoạn đầu của dự án hoặc đất công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng, để sẵn sàng xây nhà máy, nhà xưởng. Do đó, những địa phương có thế mạnh về công nghiệp và hạ tầng như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ở phía Nam hay Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh ở miền Bắc được quan tâm hơn cả.

Phân khúc nhà ở và bất động sản thương mại cũng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm bởi nguồn cung vẫn hạn chế, trong khi nhu cầu tăng do tốc độ đô thị hóa nhanh của Việt Nam.

Bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận môi giới và đầu tư, Savills Hà Nội, cho biết quy mô và tổng mức đầu tư của khối ngoại khá đa dạng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường chú trọng đến dự án phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại để gia tăng chất lượng sản phẩm và trải nghiệm người dùng.

“Pháp lý là tiêu chí ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài do ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án, cấu trúc giao dịch và kế hoạch tài chính của họ”, bà Dung cho hay.

Các chuyên gia dự báo năm 2025, bất động sản sẽ thu hút dòng vốn ngoại nhiều hơn, thúc đẩy tính đa dạng và nâng cao chất lượng nhiều phân khúc. Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, cho biết nhu cầu của khối ngoại tiếp tục gia tăng ở các loại hình như nhà ở, đất công nghiệp cho thuê, nhà kho, nhà xưởng xây sẵn và cơ sở công nghiệp công nghệ cao nhờ tiềm năng trở thành cứ điểm sản xuất của Việt Nam.

Ngọc Diễm

.



Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm