TP HCM cần phát triển hơn 11 triệu m2 sàn nhà ở năm nay
Đến nay, tổng diện tích xây dựng nhà ở mới tại TP HCM chỉ khoảng 28,87 triệu m2 sàn, mới đạt 72% chỉ tiêu đề ra.
Theo chỉ tiêu được phân bố từ Chương trình phát triển nhà ở TP HCM 2021-2030, giai đoạn năm 2021-2025, TP HCM cần tăng 50 triệu m2 diện tích sàn nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người phải đạt là 23,5 m2. Tháng 8/2024, UBND TP HCM đặt nhiệm vụ phát triển nhà ở, phấn đấu đạt ít nhất 40 triệu m2 sàn nhà ở trở lên trong năm 2025.
Tuy nhiên, từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến tháng 12/2024, thành phố mới đạt được gần 28,87 triệu m2 sàn, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 22,6 m2 một người, mới hoàn thành 72% chỉ tiêu của thành phố và 57% chỉ tiêu chương trình phát triển nhà ở đề ra.
Cụ thể, năm 2021, thành phố đã xây dựng mới 4,93 triệu m2 sàn nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đạt 20,95 m2 một người. Năm 2022 xây dựng mới 8,45 triệu m2 sàn nhà ở với diện tích bình quân là 21,4 m2 một người.
Năm 2023 có thêm 6,35 triệu m2 sàn, diện tích nhà ở là 21,6 m2 một người và cả năm 2024 xây dựng mới được 9,2 triệu m2 sàn nhà ở, diện tích nhà ở bình quân tính trên đầu người đạt 22,6 m2.
Sở Xây dựng TP HCM cho biết, khó khăn chung của thành phố là đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040 và Chương trình phát triển đô thị TP HCM đến năm 2030 vẫn chưa được phê duyệt dẫn đến khó khăn trong việc xác định hướng, chỉ tiêu phát triển nhà ở cho từng khu vực.
Bên cạnh đó, lĩnh vực nhà ở chịu sự điều chỉnh, chi phối của rất nhiều Luật khác nhau, cần có sự phối hợp của nhiều bộ phận, ban ngành nhưng công tác phối hợp giữa các bên chưa đạt được sự đồng bộ. Việc giải quyết thủ tục hành chính còn chậm làm kéo dài thời gian triên khai thực hiện dự án. Khâu xác định nghĩa vụ tài chính còn nhiều vướng mắc, chưa được tháo gỡ kịp thời tạo khó khăn trong cấp sổ hồng cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra TP HCM cũng đang thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội. Trong 28,8 triệu m2 sàn nhà ở của thành phố, nhà ở xã hội chỉ chiếm 205 132 nghìn m2. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân chưa đủ hấp dẫn, khó thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình này.
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết để hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu 40 triệu m2 sàn đã đề ra vào tháng 8, từ nay đến hết nhiệm kỳ (2025), thành phố phải phát triển thêm 11,13 triệu m2 sàn. Đây là thách thức không nhỏ và thành phố cần đề ra các giải pháp để quyết liệt hơn để hoàn thành.
Vì vậy, Sở Xây dựng đề xuất UBND TPHCM kiến nghị với Quốc hội xem xét, điều chỉnh, bổ sung sửa hai Luật quan trọng (Luật Quy hoạch đô thị và Luật Ngân sách cho phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, thành phố cần tăng cường tập trung giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tối ưu hóa quy trình và thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, ích hợp quy trình giải quyết thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.
Theo báo cáo mới đây từ Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), tính đến tháng 11/2024, TP HCM chỉ có 52 dự án được xây dựng, với quy mô 35.556 căn hộ và 6.081 nhà thấp tầng được chấp thuận.
Hiện TP HCM còn 86 dự án nhà thương mại đã được chấp nhận chủ trương đầu tư nhưng chưa thi công hoặc ngừng thi công. Trong đó, 30 dự án ngừng thi công, với 21.676 căn nhà, quy mô sử dụng đất trên 210 ha; 56 dự án chưa khởi công xây dựng, quy mô đất trên 754 ha, với 32.375 căn. Một số dự án như Khu trung tâm dân cư Tân Tạo – Khu A (Bình Tân), diện tích gần 330 ha, hiện vẫn trong quá trình giải phóng mặt bằng. Như vậy, tổng cộng TP HCM đang có khoảng 54.000 sản phẩm bất động sản tồn kho chờ xử lý. Nếu giải quyết được lượng hàng tồn này, nguồn cung nhà ở của TP HCM sẽ tăng mạnh trong những năm tới.
Phương Uyên