Vỡ mộng ‘lướt sóng’ chung cư cao cấp
Hà NộiChi cả tỷ đồng “ôm” booking (quyền đặt mua) chung cư nhằm bán chênh vài trăm triệu đồng, nhiều nhà đầu tư vỡ mộng phải bán lỗ để nhanh chóng thoát hàng.
Hơn tháng qua, anh Quang Huy, một nhà đầu tư ngụ tại quận Nam Từ Liêm, liên tục rao bán quyền đặt mua hai căn hộ tại phân khu cuối cùng gồm ba tòa ở đại đô thị phía Tây. Với giá bán lên tới 5,5 tỷ đồng một căn diện tích 65 m2 (khoảng 85 triệu đồng một m2), anh Huy cho hay đã chi tổng 1,1 tỷ đồng để thỏa thuận ký quỹ với đại lý vào cuối tháng 9. Nếu gặp khách thiện chí, anh sẵn sàng giảm 50 triệu đồng một căn, thu về 1 tỷ đồng, dù trước đó, nhiều căn tương tự rao chênh 200 triệu.
“Booking” – thuật ngữ phổ biến trong hoạt động mua bán bất động sản, người mua đặt cọc một khoản tiền cho quyền mua khi chủ đầu tư ra giá chính thức và mở bán.
Thời điểm ba tháng trước, anh Huy cho hay phải “giành giật” để có quyền chọn mua hai căn này. Dù giá cao hơn 15% các phân khu trước, anh nói chấp nhận vào tiền bởi đây là giỏ hàng cuối tại đại đô thị, “ôm vào là chắc thắng”. Anh kỳ vọng đến cuối năm có thể chuyển nhượng với khoản chênh 200-300 triệu đồng một căn.
Anh rao bán hơn hai tháng chưa tìm được khách mua, mới đây lại được chủ đầu tư thông báo ký hợp đồng mua bán ngay đầu tháng 1 năm sau, sớm hơn hai tháng so với lịch ban đầu. “Hai tuần nữa, tôi phải nộp ngay khoản tiền đợt 1 hơn một tỷ đồng nếu chọn thanh toán tiêu chuẩn. Gửi thêm nhiều môi giới bán hộ song hai căn vẫn không có giao dịch, do quỹ hàng sang nhượng tại phân khu rất lớn, gồm cả những căn nhỏ hơn”, anh nói.
Anh Huy tính thế chấp căn nhà hiện tại để vay ngân hàng vào tiền cho khoản đầu tư này, đồng thời giảm giá thêm để nhanh chóng tìm khách mua. “Cứ ngỡ dễ dàng bán chênh như nhiều tòa trước, giờ vỡ mộng vì lãi không có, thậm chí phải cắt lỗ mới hy vọng có thanh khoản”, nhà đầu tư này cho hay.
Trường hợp như anh Huy không hiếm gặp. Chị Thuý Anh, một nhà đầu tư ngụ tại quận Hai Bà Trưng, cho biết đang chật vật rao bán căn hộ 83 m2 tại dự án hơn 2.000 căn trong khu đô thị phía Đông. Căn này có giá chủ đầu tư khoảng 6,4 tỷ đồng (77 triệu đồng một m2), chưa gồm VAT và phí bảo trì.
Trước đó hơn một tháng, chị cho biết phải “tranh nhau” mới lấy được quyền mua căn hộ ở tầng đẹp. Ngoài khoản ký quỹ 200 triệu đồng, chị này còn phải chi thêm 200 triệu cho đại lý và môi giới vì lấy được “căn hoa hậu”.
Chưa đầy tháng sau, thấy thị trường có dấu hiệu chậm nhịp do dự án mới liên tục ra hàng, chị liền gửi môi giới sang nhượng lại. Để dễ bán, chị Thuý Anh giảm lợi nhuận kỳ vọng, từ 200 triệu xuống còn 50 triệu chỉ sau một tháng. Hiện chị chấp nhận bán bằng giá hợp đồng, lỗ khoản 200 triệu chênh cho đại lý nhưng vẫn chưa tìm được khách mua.
Đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp nhà đầu tư “lướt sóng” đang tìm cách cắt lỗ để thoát hàng. Bởi ngoài việc không muốn “lướt sóng thành cư dân”, cuối năm là thời điểm nhiều sàn giao dịch chịu áp lực chốt doanh số nên quỹ căn được ôm trước đó tung ra nhiều, buộc các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng tìm cách thoát hàng. Theo chuyên gia, nhiều đại lý “xả hàng” dẫn đến khoản chênh giảm mạnh 70-80%, thậm chí ngang với giá hợp đồng mua bán.
Theo ghi nhận của VnExpress, ba tháng cuối năm, nhiều giỏ hàng chung cư mới được môi giới ồ ạt rao bán sang nhượng, tập trung ở khu vực phía Tây và Đông Hà Nội, tâm điểm nguồn cung sơ cấp trong năm nay. Khoản chênh cũng giảm mạnh từ 300-500 triệu đồng với những căn đẹp, hiện còn 100-200 triệu đồng. Thậm chí những căn diện tích to, vị trí xấu được chào giá giảm 50-100 triệu đồng so với hợp đồng mua bán.
Chị Thu Huyền, một môi giới chuyên phân khúc căn hộ tại phía Tây, cho hay số lượng khách gửi chung cư chuyển nhượng cho chị tăng đột biến những tháng cuối năm, khoảng 15% so với quý II. Tình trạng này có phần trái ngược với cảnh “đổ xô đi booking khiến dự án mới nào cũng cháy hàng mấy tháng trước đó”.
Tình trạng rao bán chung cư cũng tăng mạnh trên các chợ địa ốc trực tuyến. Dữ liệu của kênh Batdongsan cho thấy lượng tin đăng bán chung cư Hà Nội đầu quý IV tăng 25% so với cuối quý III. Trong khi nhu cầu tìm thuê chung cư tiếp tục đà giảm từ những tháng trước đó.
Nhìn nhận diễn biến trên, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property, nói tình trạng “lướt sóng” chung cư cao cấp diễn ra phổ biến từ cuối quý I trong bối cảnh thị trường Hà Nội rất hạn chế nguồn cung. Một số phân khu, dự án ra mắt được quảng cáo “khan hiếm” cùng với đông đảo đại lý, môi giới tham gia phân phối, càng đẩy tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ) trên thị trường.
Khi tâm lý thị trường dâng cao, có nhóm nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền ôm quyền đặt mua một số căn, sau đó bán “lướt”, thu về vài trăm triệu. Nếu so với khoản vốn bỏ ra, lợi nhuận từ bán chênh thu về có thể lên đến 50-100%. Ông Toản cho hay có nhiều trường hợp môi giới trở thành nhà đầu tư. Cùng với đại lý, họ được tiếp cận quỹ căn chủ đầu tư sớm nhất đồng thời nắm mức độ quan tâm thực tế thông qua làm việc trực tiếp với khách hàng. Một số môi giới sẵn sàng bỏ 50-200 triệu đồng để đặt quyền mua, sau đó sang nhượng kèm khoản chênh cho khách.
Với nhiều năm kinh nghiệm môi giới, phân phối dự án bất động sản, ông Trần Trọng Vũ, đồng sáng lập Công ty SPE.R, cho biết nhiều nhà đầu tư lướt sóng rơi vào cảnh vỡ mộng bởi bản chất họ đầu tư theo tâm lý đám đông, “thấy người khác dễ sang tay kiếm lời cũng bắt chước làm theo”.
Theo ông, những nhà đầu tư này không nắm rõ nhu cầu và thanh khoản thực tế đến đâu nhưng mua đúng thời điểm thị trường “lên đỉnh” hoặc trúng căn khó thanh khoản (diện tích lớn, vị trí xấu). Hệ quả là “vô tình lướt sóng thành cư dân”, thậm chí dùng đòn bẩy tài chính quá lớn có thể khiến họ mất trắng tài sản khi không còn khả năng trả lãi vay.
“Đầu tư thiếu kiến thức, chạy theo đám đông không khác gì đánh bạc”, ông Vũ cho hay.
Theo kết quả một nghiên cứu của kênh Batdongsan, hơn 86% người mua bất động sản hiện nay nhằm mục đích đầu tư “lướt sóng” kiếm lời. Thời gian từ lúc họ mua đến khi sang tay tối đa trong một năm. Trong đó, tỷ lệ nhà đầu tư giữ bất động sản dưới 6 tháng chiếm đến 50% và từ 6-12 tháng tầm 36%. Chỉ 14% giữ tài sản lâu hơn một năm.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc kênh Batdongsan, cho rằng lượng người mua bất động sản để lướt sóng quá nhiều khiến thị trường phát triển kém bền vững và thúc đẩy giá nhà đất tăng ảo. Theo chuyên gia, trước khi xuống tiền, nhà đầu tư địa ốc cần có kế hoạch rõ ràng dựa trên khảo sát, tính toán kỹ về tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của khu vực cũng như tăng trưởng thu nhập của người dân.
Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu để tránh đầu cơ, tương tự một số quốc gia. Bộ cho rằng đánh thuế theo thời gian sở hữu sẽ giảm tình trạng lướt sóng, bong bóng bất động sản – vốn là nguyên nhân khiến giá nhà, đất tăng cao vừa qua.
Ngọc Diễm